Bạch quả là một vị dược quý trong đông y, với nhiều chức năng và công dụng tốt cho sức khỏe nên vị thuốc này thường được sử dụng trong các bài thuốc quý. Có tác dụng chữa hen suyễn, bạch đới, tiểu tiện nhiều lần, di tinh, mộng tinh ở nam giới, khí hư, cơ thể suy nhược ở phụ nữ… Vậy Bạch quả là gì? Có những công dụng gì? Để giải đáp những thắc mắc trên, hãy chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
- Tên gọi khác: Ngân hạnh, Công tôn thụ, Áp cước tử.
- Tên khoa học: Ginkgo biloba L
- Họ: Bạch quả (Ginkgoaceae).
I. Mô tả dược liệu bạch quả
1. Đặc điểm thực vật
Bạch quả là một dược liệu quý, dạng cây to, chiều cao có thể lên đến khoảng 20 – 30m. Thân cây phân thành nhiều cành dài, mọc vòng, trên các cành sẽ có những cành nhánh ngắn mang lá có cuống.
Lá mọc so le nhau, thường tụ lại ở một mấu. Phần phiến lá có hình quạt, gốc lá thuôn nhọn. Phía trên mép lá tròn, nhẵn và lõm ở giữa, chia phiến lá ra thành 2 thùy rộng. Gân lá tỏa ra từ gốc thành hình quạt, rất sít nhau, phân nhánh theo hướng rẽ đôi. Phiến lá ngắn hơn cuống lá.
Bạch quả là loại cây đơn tính khác gốc. Có khi cây thường chỉ có toàn hoa đực hoặc toàn hoa cái. Hoa cái sẽ thụ phấn từ hóa đực để kết quả. Quả hạch có hình trứng với kích thước bằng quả mận. Thịt quả màu vàng và có mùi bơ khét rất khó chịu.
2. Bộ phận dùng
Phần hạt của quả là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc. Ngoài ra, trong một số bài thuốc thì phần lá cũng có thể được dùng.
3. Nơi phân bố của bạch quả
Dược liệu có nguồn gốc ở Trung Quốc và được tìm thấy ở cả Nhật Bản hay Nam Triều Tiên. Được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Phúc Kiến, An Huy, Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, Sơn Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên… thuộc Trung Quốc.
Ở nước ta, hiện nay nguồn dược liệu vẫn còn phải nhập khẩu từ Trung Quốc về để sử dụng. Cây có được thử nghiệm trồng ở SaPa nhưng sinh trưởng rất chậm.
4. Thu hái và sơ chế
Thời điểm thích hợp nhất để thu hái dược liệu là vào mùa thu. Hái quả chín về và bỏ hết phần thịt cùng vỏ ngoài. Sau đó đem rửa sạch rồi đi hấp hay luộc qua. Cuối cùng đi phơi hoặc sấy cho khô để bảo quản dùng dần.
5. Bảo quản
Dược liệu đã qua sơ chế cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát.
6. Thành phần hóa học của bạch quả
Phân tích dược liệu bạch quả ghi nhận một số thành phần, bao gồm:
- protein
- chất béo
- đường
- ginkgolic axit
- bilobol
- ginnol
- flavonoic
- ginkgolite
- biloblit
- hydroxykinurenic
- kinurenic
- parahydroxybenzoic
- vanillic
II. Vị thuốc bạch quả
1. Tính vị
- Theo Trung dược đại từ điển: Dược liệu có đủ vị ngọt, đắng chát với tính bình và có độc.
- Theo Trung dược học và Cương mục: Dược liệu có vị ngọt, chát, đắng và tính bình.
- Theo Điền Nam bản thảo: Dược liệu có vị ngọt và tính hàn.
- Theo Ẩm thiện chính yếu: Dược liệu có vị ngọt, đắng và không độc.
2. Quy kinh
- Theo Trung dược học và Cương mục: Quy vào kinh Phế.
- Theo Trung dược đại từ điển: Quy vào 2 kinh Thận và Phế.
- Theo Bản thảo tái tân: Quy vào 3 kinh Phế, Thận và Tâm.
- Theo Bản thảo hối ngôn: Quy vào 2 kinh Thái dương và Thủ thái âm.
3. Tác dụng dược lý
a. Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: ích khí, ích phổi, tiêu đờm, sát trùng, giải rượu, cầm tiểu tiện…
- Chủ trị: Hen suyễn, khí hư bạch đới ở phụ nữ, viêm đường tiết niệu, xuất tinh sớm, di tinh ở nam giới, cơ thể suy nhược…
b. Theo y học hiện đại:
Tác dụng dược lý của dược liệu là nhờ vào 2 hoạt chất sesquiterpene bilobalide và ginkgolide B từ chiết xuất ginkgo biloba mang lại. Với các tác dụng bảo gồm:
- Tăng tuần hoàn máu não.
- Chống oxy hóa, ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do.
- Ổn định màng cũng như ngăn cản các yếu tố kích hoạt tiểu cầu.
- Dùng chữa chứng trí nhớ kém, thường xuyên ngủ gà ngủ gật, cáu gắt ở người già do tác dụng của vi tuần hoàn.
4. Cách dùng – liều lượng
Đối với phần nhân bạch quả cần bóc bỏ vỏ và dùng dưới dạng thuốc sắc, tán bột hay nước chín đều được. Liều lượng được khuyến cáo là khoảng 10 – 20g/ngày.
Phần thịt quả có chứa độc tố nên không thể ăn được. Muốn sử dụng phải ép để lại bỏ dầu và để lâu trên 1 năm. Lúc này có thể dùng riêng hay kết hợp với các vị thuốc khác với liều 3 – 4 quả/ngày.
III. Lưu ý khi sử dụng bạch quả để chữa bệnh
Bạch quả mặc dù có nhiều công dụng trong điều trị bệnh và bồi bổ cơ thể nhưng có thể phát sinh rủi ro nếu dùng không đúng cách. Bạn cần chú ý đến một số khuyến nghị sau:
- Tuyệt đối không dùng cho những người có thực tà.
- Không nên dùng nhiều bạch quả mỗi lần, nhất là ở trẻ nhỏ.
- Ăn chung dược liệu với cá chình có thể gây chứng nhuyễn phong.
- Ăn nhiều dễ phát sinh hiện tượng chướng bụng.
Dưới đây là một số triệu chứng ngộ độc bạch quả thường gặp:
- Nhức đầu
- Co rút gân
- Phát sốt
- Bứt rứt khó chịu
- Khó thở
- Nôn mửa
Lúc này, cần lấy ngay 63g vỏ quả bạch quả hoặc 125g cam thảo sắc lấy nước uống để giải độc. Trường hợp triệu chứng ngộ độc không được đáp ứng cần tìm đến bác sĩ ngay lập tức.
Hy vọng với bài viết trên, sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về vị dược liệu Bạch quả. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn trong những bài viết kế tiếp.
Nếu có nhu cầu mua các sản phẩm rượu của Thiên Hữu liên hệ địa chỉ: 35/2 Nguyễn Lương Bằng, Xã Hòa Thắng, Tp. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk. Hotline: 0262.37.07.307 – 0933.958.588.