Kim ngân hoa được xem là một vị thuốc quý trong đông y với nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như chống viêm, thanh nhiệt, trị ôn bệnh phát nhiệt, rôm sảy, ghẻ lở, mụn nhọt, giang mai, hắc lào,… Để có thể hiểu sâu hơn về vị dược liệu kim ngân hoa, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết ngay sau đây nhé!
- Tên khác: Kim ngân, nhẫn đông, song bào hoa, nhị hoa, kim đằng
- Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb
- Họ: Kim ngân ( Caprifoliaceae )
I. Mô tả về cây kim ngân hoa
1. Đặc điểm thực vật
- Kim ngân thuộc loại cây mọc leo, thân quấn, khi phát triển có thể đạt tới chiều dài 10 mét hoặc hơn nữa
- Cành nhỏ, khi còn non thường có màu xanh nhạt,. Bên ngoài cành phủ một lớp lông tơ mịn. Dần dần, cành sẽ chuyển sang màu hơi đỏ, có vân, bề mặt nhẵn nhụi không có lông.
- Lá mọc đối, hình trứng dài hoặc mũi mác. Lá xanh tươi suốt cả năm và không rụng vào mùa lạnh như những loại cây khác.
- Tháng 4 – tháng 7 hàng năm, kim ngân sẽ ra hoa ở các kẽ lá. Hoa mọc thành cụm, hình ống, có 2 môi, mùi thơm nhẹ. Lúc mới nở thường có màu trắng, sau chuyển sắc vàng. Chính vì vậy ở cùng thời điểm, trên một cành có thể chứa cả hoa trắng lẫn hoa vàng.
- Quả mọng, hình cầu, màu đen
2. Nơi phân bố
Cây kim ngân có ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, các nước đông Bắc Mỹ hay Nhật Bản. Ở nước ta, cây mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Cao Bằng, Sơn La…
Loài cây này có thể sống được ở cả đồng bằng và các khu vực miền núi. Ngày nay, thảo dược này còn được người dân trồng để làm cảnh, lấy bóng mát trước nhà.
3. Bộ phận dùng làm thuốc của kim ngân hoa
Cành, lá, hoa, thân kim ngân đều có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên hoa là bộ phận được sử dụng phổ biến nhất.
4. Thu hái – Sơ chế:
Kim ngân bắt đầu được thu hoạch sau khoảng 1 năm kể từ lúc trồng. Tùy theo mục đích sử dụng mà thu hoạch hoa, thân, cành, lá hay tất cả.
Với hoa của cây dược liệu này, chỉ hái những hoa sắp nở hoặc mới nở và chưa chuyển sang sắc vàng. Hoa được đem về phơi khô hay sấy để làm thuốc.
Các bộ phận khác gồm cành, thân được cắt thành những khúc ngắn trước khi phơi khô.
5. Bào chế thuốc
- Hoa kim ngân tươi: Giã nát, chắt nước cốt đun sôi để uống
- Hoa dạng khô: Sắc lấy nước đặc hoặc sao rồi tán bột
- Ngâm rượu: Cứ 1 kg hoa kim ngân tươi hoặc khô đem ngâm với 5 lít rượu uống
6. Bảo quản
Đựng thuốc trong bình có lót vôi sống dưới đáy và để nơi khô ráo. Không nên bảo quản kim ngân ở nơi ẩm ướt vì dược liệu này dễ hút ẩm dẫn đến mốc, bị thay đổi màu sắc hoặc mất tác dụng.
7. Thành phần hóa học:
– Hoa kim ngân chứa nhiều tinh dầu bao gồm các chất như:
- α-pinen
- Geraniol
- hex -1 -en
- Carvacrol
- Eugenol
- α – pinen
- Một số Flavonoid: lonicerin, luteolin-7-glucosid và axit clorogenic
– Cành và lá chứa:
- Saponin
- Axit clorogenic
– Quả của dược liệu này chứa nhiều loại axit hữu ích như:
- Oxalic
- Citric,
- Axit malic
II. Vị thuốc kim ngân hoa
1. Tính vị
Kim ngân tính hàn, vị đắng, ngọt, không độc
2. Quy kinh
Phế, Vị, túc Thái âm Tỳ, Tâm Tỳ, túc Dương minh Vị
3. Tác dụng dược lý và chủ trị của kim ngân hoa
Theo Đông y kim ngân có công dụng: Thanh nhiệt, tiêu khát, giải chư sang, tiêu thũng, tán độc, khu phong, trừ thấp. Chủ trị ôn bệnh phát nhiệt, tiêu chảy, ghẻ lở, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, đau họng, bệnh sởi, giang mai, hắc lào, sưng viêm tuyến vú do tắc sữa, cảm cúm…
Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, kim ngân có những tác dụng sau:
- Chống khuẩn: Nước sắc hoa kim ngân có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các chủng vi khuẩn như thương hàn, trực khuẩn lỵ, phế cầu, e.coli. Nước sắc lá kim ngân có tác dụng ức chế trực khuẩn Shiga, trực khuẩn cận thương hàn, tiêu cầu khuẩn.
- Tăng khả năng chuyển hóa chất béo
- Ngăn chặn choáng phản vệ khi dùng nước sắc hoa kim ngân thí nghiệm trên chuột lang
- Kháng viêm
- Làm tăng độ hưng phấn ở trung khu thần kinh
- Chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao
- Làm giảm sức hoạt động của vi rút gây cảm cúm
- Tăng chuyển hóa lipid, giảm cholesterol trong máu
- Cải thiện triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp, bệnh lỵ, quai bị lở ngứa
- Lợi tiểu
- Tăng bài tiết dịch vị, dịch mật
4. Cách dùng và liều lượng
Mỗi ngày dùng 4 – 6g hoa kim ngân dạng thuốc sắc, cao hay rượu thuốc. Nếu dùng lá và thân thì mỗi ngày 10 – 12g.
III. Những điều cần lưu ý khi sử dụng kim ngân hoa
- Tỳ vị hư hàn, mồ hôi ra nhiều, tiêu chảy không phải do nhiệt: Cẩn thận khi dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Tỳ vị hư hàn, mụn nhọt, tiêu chảy loại âm tính: Không nên dùng (theo Lâm sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Hy vọng với bài viết trên, sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về cây dược kim ngân hoa. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc.
Nếu có nhu cầu mua các sản phẩm rượu của Thiên Hữu liên hệ địa chỉ: 35/2 Nguyễn Lương Bằng, Xã Hòa Thắng, Tp. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk. Hotline: 0262.37.07.307 – 0933.958.588.